[HEADING=1](CMO) Nghề đóng cừ tràm đã có từ bao đời nay, người lao động chủ yếu là nam giới, bởi công việc này luôn nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức khoẻ. Nó đã trở thành kế sinh nhai cho không ít hộ nghèo, đông con. Cực nhọc là vậy, nhưng nhiều người vẫn yêu nghề, gắn bó với nghề, bởi họ biết, nghề của chính mình cũng góp một phần công sức làm đẹp cho quê hương.[/HEADING]
Ông Út Kiển (Trần Văn Út), xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, thợ đóng cừ tràm lâu năm, cho biết: “Từ lâu ông cha ta đã biết sử dụng cừ tràm để gia cố nền móng cho các công trình, nhà ở, tường rào… Trước kia, việc thi công đóng cừ tràm thường sử dụng sức người. Còn hiện nay, khoa học phát triển, các thiết bị máy móc hiện đại ra đời, việc thi công cừ tràm cũng dần được thay thế bằng máy móc, tiết kiệm được nhân công, thời gian và cả chi phí so với cách đóng cừ bằng sức người”.

Ðóng cừ tràm bằng tay là biện pháp thủ công sử dụng sức người để đóng cọc cừ tràm, nhân công phải có ít nhất từ 5-6 người thợ lành nghề. Theo đó, những người thợ sẽ dùng chài vồ có hình trụ làm bằng gỗ, có trọng lượng từ 20-30 kg để đóng trực tiếp lên đầu cọc cừ tràm. Một người ở phía dưới cầm giữ chặt cây cừ theo phương thẳng đứng, mấy người còn lại thay phiên nhau hô cùng nhịp một, hai, ba rồi dùng chài vồ gỗ đóng vào phần đầu cừ với tốc độ đều để giúp cừ cắm thẳng xuống lòng đất. Càng về sau, mật độ cừ đóng xuống ngày càng nhiều, đất ngày càng chặt và cứng lại, tốc độ đóng chậm lại, theo đó những người thợ phải dùng sức nhiều hơn. Ðặc biệt, khi gặp phải cây cừ cong, cả đội 5-6 người thay phiên nhau đóng cả tiếng đồng hồ mới xong cây cừ tràm loại 5 m.
Ðóng cừ tràm bằng máy giảm bớt nặng nhọc cho người thợ.
Ông Út Kiển cho biết, dùng thêm dàn giáo có chiều cao khoảng 1,5 m để những người đóng cừ đứng lên, ít nhất cũng phải đứng được từ 4-6 người đóng cừ. Ngày trước, cách này được sử dụng phổ biến, tuy nhiên, ngày nay với sự ra đời của các loại máy móc hiện đại, phương pháp đóng cừ tràm bằng tay cũng vì thế mà ít được áp dụng hơn.

Ông Hai Râu, một người thợ làm chung đội đóng cừ tràm với ông Út Kiển, cho biết: “Trước khi đóng cừ, người thợ sẽ thực hiện công đoạn phân nền, đào lỗ móng có độ sâu so với mặt đất từ 1-1,5 m hoặc tới mực nước ngầm đủ để bảo vệ tuổi thọ của cừ, hoặc theo bản vẽ của kỹ sư hay quy cách làm do chủ nhà đưa ra. Công đoạn này được cho là cực nhọc nhất trong nghề đóng cừ. Ðối với những vị trí mới xây cất lần đầu thì tương đối dễ đào hố móng; còn ở những chỗ xây cất cùng vị trí móng nhà cũ đã xây cất trước đó, người thợ phải dùng cả súng bắn bê tông để phá bỏ những lớp bê tông cũ. Ðặc biệt, khi đào trúng gốc cây cổ thụ, phải dùng búa chặt từng chút cho đến khi nhổ hết rễ, gốc, tốn rất nhiều công sức”.

Tuy nhiên, phương pháp đóng cừ tràm bằng tay cũng có những ưu và nhược điểm. Ưu điểm là thích hợp với những công trình có vị trí nhỏ hẹp mà máy móc không di chuyển vào được, còn nhược điểm là tốn nhiều thời gian và chi phí cao hơn khá nhiều so với cách đóng cừ tràm bằng máy.

Ông Út Kiển cho biết thêm, đóng cừ tràm bằng máy là biện pháp sử dụng các thiết bị máy móc để hỗ trợ con người để thực hiện. Loại máy đóng cừ tràm được sử dụng để đóng cọc thường là xe cuốc (hay còn gọi là máy xúc) hoặc sử dụng máy rung. Ðối với xe cuốc thì sử dụng gầu múc để đóng. Nguyên lý hoạt động dựa trên lực nhấn (ép) của cần trục tác động trực tiếp lên đầu cừ theo phương thẳng đứng hướng từ trên xuống dưới. Ðối với máy đóng cừ tràm thì nguyên tắc làm việc là dùng năng lượng do rung động kết hợp với lực va đập của búa giúp việc đóng cọc dễ dàng.
Ưu điểm của đóng cừ tràm bằng máy là giá thành rẻ chỉ bằng một nửa so với cách đóng cừ tràm bằng tay, tốn ít nhân công, chỉ cần từ 2-3 người là có thể làm, rút ngắn thời gian thực hiện nhưng nhược điểm là không sử dụng được với những công trình ở những vị trí quá nhỏ hẹp.
Lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt sạm đen vì nắng, anh Tư Thành (Nguyễn Văn Thành) chia sẻ: “Từ tháng Giêng trở đi là vào mùa xây dựng, vào thời điểm này anh em trong đội phải làm từ sáng sớm đến tận chiều tối mới về đến nhà. Ðổi lại, anh em kiếm được từ 500-600 ngàn đồng/ngày công, gấp 2 lần so với những tháng của mùa mưa”.

Vừa dứt lời, anh Tư Thành lấy vội xoong cơm nấu sẵn ở nhà mang đi từ sáng ra ăn nhanh, để còn tranh thủ buổi trưa nghỉ lưng dưới bóng mát các bụi cây ven đường. Do đặc thù của công việc và làm ở nhiều địa điểm khác nhau nên mọi người ai nấy đều mang cơm theo ăn để tiết kiệm chi phí. Tuy công việc vất vả nhưng ai cũng vui, vì đây là nghề có thu nhập tương đối ổn định của những hộ không đất sản xuất hoặc lúc nông nhàn.

Gắn bó nghề đóng cừ tràm lâu năm, ông Trần Văn Thuận, 59 tuổi, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi trước đây rất khó khăn, đi làm thuê tứ xứ… rồi bén duyên với nghề đóng cừ tràm được khoảng 15 năm nay. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được trên 300 ngàn đồng, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày”.
Các kỹ sư xây dựng cho biết, cừ tràm thường được sử dụng tại những vùng đất bãi bồi, nền địa chất yếu, có mực nước ngầm ổn định. Trong điều kiện như vậy sẽ giúp nâng cao được tuổi thọ của loại cừ này một cách lâu nhất. Thực tế cho thấy, trong điều kiện thích hợp thì độ bền của cừ tràm có thể lên đến khoảng 60-70 năm, đáp ứng tốt về niên hạn sử dụng của các loại công trình xây dựng hiện nay./.

Xem:
bán cừ tràm giá rẻ