Thị trường Amazon tại Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành, tìm hiểu các khía cạnh doanh nghiệp cần để hỗ trợ, giúp họ thành công trong khi tiếp cận khách hàng toàn cầu.

Theo nghiên cứu mới nhất của Access Partnership, được công bố tại Hội nghị Thương mại Điện Tử Xuyên Biên Giới do Amazon Global Selling tổ chức , doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam đạt 80,7 nghìn tỷ đồng vào năm 2022. Con số này có thể đạt đến 256,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 11,1 tỷ USD) vào năm 2026 và gần chạm mốc 300 nghìn tỷ đồng vào năm 2027 nếu như các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ đầy đủ và đẩy nhanh tốc độ áp dụng thương mại điện tử để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ.

Không chỉ tăng trưởng về doanh thu, năm 2022 cũng ghi nhận số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng trưởng tới 80% so với năm trước đó.Theo lãnh đạo Amazon Global Selling, một trong những vấn đề và cũng là động lực của các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập TMĐT xuyên biên giới là xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải xây dựng thương hiệu, danh tiếng thay vì chỉ cạnh tranh bằng giá cả. Một tín hiệu tích cực là số lượng thương hiệu Việt Nam đăng ký thương hiệu trên Amazon đã tăng 7 lần trong 3 năm qua.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (iDEA) chia sẻ: "Trong tương lai, iDEA và Amazon Global Selling (Chi nhánh Amazon tại Việt Nam) sẽ phát triển hơn nữa các chương trình đào tạo, cập nhật kịp thời các kiến thức và thông tin về quy định nhập khẩu nước ngoài, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và xây dựng thương hiệu quốc tế. Bằng cách đó, chúng tôi trao quyền cho các doanh nghiệp địa phương với những kiến thức và công cụ nhằm loại bỏ các rào cản của thương mại điện tử xuyên biên giới, tự tin củng cố sự hiện diện thương hiệu và phát triển mạnh trên thị trường toàn cầu".