Để đối phó với nạn cân điêu, một số chợ đã đặt cân điện tử đối chứng để bà nội trợ kiểm định lượng thực phẩm.
Tuy nhiên, rất ít người biết đến sự tồn tại của những chiếc cân này. can dien tu | cân điện tử

Cân đối chứng nằm... “mốc meo” ở chợ
Để giải quyết vấn nạn này, cuối năm 2006, hàng chục chiếc cân đối chứng đã được chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội lắp đặt tại các chợ, hỗ trợ người mua chống lại nạn cân điêu. Theo như quy định, tại các điểm cân đối chứng phải có nhân viên điều hành ghi lại kết quả kiểm tra, nhắc nhở người cân thiếu phải có trách nhiệm cân đủ cho khách hàng. Tuy nhiên, một thực tế tồn tại nhiều năm qua là dường như những chiếc cân này đang bị chính người tiêu dùng cho vào “quên lãng”.

Khảo sát tại các chợ Ngô Sĩ Liên (Đống Đa), chợ Xanh, chợ Bưởi, (Hà Đông), chợ Quan Nhân... đều không thấy có chiếc cân đối chứng nào. Thậm chí, khi hỏi đến chiếc cân này, ai cũng ngơ ngác vì không biết đó là loại cân gì.

Đến chợ Hôm, chúng tôi thấy có cân đối chứng đặt ngay lối vào khu mua bán thực phẩm. Không có bất cứ một nhân viên nào điều hành nào gần đó. Chiếc cân đồng hồ loại 20kg đã cũ, gỉ sét, bụi bặm bám đầy, thậm chí, tấm biển hướng dẫn đã bị một tấm biển khác trùm lên quá nửa. Thành thử, dù đặt ở ngay đầu khu bán thực phẩm, cũng chẳng mấy ai để ý tại đó có chiếc cân đối chứng.

Cân điêu và ...1001 cách chống Ở chợ Hôm, chiếc cân đối chứng được đặt ở ngay đầu khu bán thực phẩm nhưng chẳng mấy ai biết đến.

Chị Thu (phố Huế, HN) thường xuyên đi chợ Hôm mua thực phẩm, nhưng chị chưa nghe nói đến ở chợ có cân đối chứng: “nay cô nói tôi mới biết, đi qua suốt mà cũng không để ý ở đây đặt cân. Thi thoảng thấy người ta bày rau, củ trên bàn, tôi lại cứ tưởng là cân của hàng rau nào đó nên chẳng để ý lắm. Mình mua thực phẩm hàng nào cân điêu, nghi ngờ thì về nhà cân lại, bà nội trợ nào cũng thế cả thôi,” chị cho biết.

Đúng theo lời chị Thu, dù vào giờ tan sở, lượng khách đến mua thực phẩm ở chợ khá đông, nhưng không ai mảy may để ý đến sự tồn tại của chiếc cân đối chứng đặt ngay đầu chợ.

Tương tự như thế, những chiếc cân đối chứng ở chợ Khương Đình, Ngã Tư Sở, Nghĩa Tân... đều chịu chung cảnh... nằm “mốc meo” vì hàng năm trời chẳng có ai dùng đến.

Bàn để cân đối chứng ở chợ Khương Đình đã gỉ sét, và vì không có ai dùng đến, nên nghiễm nhiên nó trở thành nơi bán trứng gà ta "xịn".

Cân đối chứng ở chợ Khương Đình cũng được đặt ngay lối vào cổng chợ, nhưng từ rất lâu rồi không có ai dùng đến nên bục để cân đã được tận dụng để trở thành nơi bán... trứng gà ta. Hỏi người bán trứng gà, chị thản nhiên đáp: “ôi dào, có ai thèm qua cân đâu mà để cho chật chỗ. Tôi thấy thế nên bày trứng gà lên bán, cũng chẳng ai nói gì.”

Đến chợ Ngã Tư Sở, hỏi những người bán hàng trong chợ về cân đối chứng thì ai cũng lắc đầu bởi chẳng có cái cân đối chứng nào cả. “Bán hàng ở đây 2 năm, lần đầu tiên nghe có người nói đến cân đối chứng. Ở đây thi thoảng cũng có một vài người qua cân nhờ, chứ chẳng thấy ai hỏi cân đối chứng bao giờ,” bà Vui, một người bán thịt bò tại chợ Ngã Tư Sở cho hay.

Tuy nhiên, sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi cũng thấy một chiếc cân đã hoen gỉ bị che lấp bởi đống hàng hóa. Chiếc cân để chỏng chơ, không có người giám sát, và cũng không ai biết liệu chiếc cân cũ nát này có còn chính xác nữa hay không.

“Trước tôi cũng có nghe mấy người mua hàng kháo nhau tới cân lại ở cân đối chứng để kiểm tra, tuy nhiên, nếu mua hàng rồi chạy ra đầu chợ cân thử thì chủ hàng khó chịu, mà mua rồi đem ra cân lại, thấy thiếu cũng chẳng biết kêu ai. Chuyện cân điêu, cân thiếu là chuyện thường ngày... ở chợ, nhiều khi biết cũng tặc lưỡi cho qua, chẳng muốn đôi co với mấy người bán hàng làm gì, khéo lại còn ăn mắng,” chị Lan (Nguyễn Trãi, HN) nói.

Theo ông Lê Văn Quyết, đại diện Ban quản lý chợ Khương Đình cho biết: “rất ít người quan tâm tới cân đối chứng, hầu như hiếm người đi chợ tới kiểm tra lượng thực phẩm mình mua. Khi có cân đối chứng, chúng tôi cũng có người đứng giám sát, hướng dẫn, nhưng chẳng mấy ai đến cân nên nhân viên phải đi làm việc khác.”

1001 cách chống... cân điêu

Bức xúc trước vấn nạn cân thiếu, nhiều bà nội trợ đã chuẩn bị sẵn cho mình một phương án riêng để đối phó với tình trạng này.
Để không bị... “móc túi tinh vi” bà Mai (KTT Thanh Xuân Bắc, HN) mua một chiếc cân tay chuyên dùng đi chợ, bà cho biết: “chiếc cân này giá rẻ, được thiết kế rất nhỏ và tiện lợi, tôi có thể bỏ vào túi xách, vào giỏ đi chợ. Nếu nghi ngờ món đồ nào thiếu cân, thiếu lạng thì đem ra cân ngay tại chỗ cho người bán cùng xem. Có như này tôi mới cảm thấy an tâm, đỡ bực mình vì cảm thấy mình bị lừa.”

Nhưng chiêu bài mang theo cân tay khi đi chợ dường như chỉ được một số ít bà nội trợ có thời gian rảnh rỗi như bà Mai thực hiện. Đa phần mọi người thường cảm thấy bất tiện khi mang cân ra cân lại thực phẩm, cho dù, chiếc cân được thiết kế rất tiện dụng.

“Tôi tan sở, đi làm về là tạt qua chợ, mua thực phẩm càng nhanh càng tốt, về còn làm cơm. Hơi sức đâu mà đem cân ra cân lại nữa. Trước đây, mẹ chồng tôi cũng mang cân tay, loại cân móc đi kiểm tra lại lượng thực phẩm. Nhưng thấy bất tiện nên cụ chỉ mang đi 1, 2 lần rồi thôi,” chị Nguyệt Anh (Nguyễn Quý Đức, HN) cho biết.

Bực mình sau nhiều lần đi chợ bị cân điêu, lại bị người bán hàng mắng như... tát nước vào mặt, chị Mai “tẩy chay” thực phẩm ngoài chợ. Theo chị, biện pháp an toàn nhất, đảm bảo nhất là vào siêu thị mua hàng. Dù có hơi mất thời gian một chút, hoặc có đắt hơn một chút, thì ít ra chị không phải lo lắng mình có bị người bán hàng... “móc túi” hay không.

“Trước tôi cũng thử một vài cách, mục đích để đi chợ không bị người bán hàng... lừa đảo tinh vi, tuy nhiên, một vài lần thấy không có hiệu quả nên thôi. Bà nội trợ nào cũng thế cả, biết mình bị cân điêu nhưng... nhắm mắt cho qua. Chẳng muốn đôi co làm gì,” chị Hồng (Chính Kinh, HN) nói.

Từ lâu, cân điêu, cân thiếu đã trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều người tiêu dùng. Nhưng do tâm lý muốn mua nhanh, mua rẻ, ngại đôi co... khiến nhiều bà nội trợ gián tiếp tiếp tay cho nạn cân điêu.

Với những loại mặt hàng giá rẻ thì cân thiếu một vài lạng, người tiêu dùng cũng chỉ mất vài nghìn đồng. Tuy nhiên, với những mặt hàng đắt tiền thì số tiền bị “móc túi” lại không phải là nhỏ.

"Theo Điều 7, Nghị định số 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá, có quy định: Phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện đo có độ chính xác, phạm vi đo không đảm bảo quy định để thực hiện phép đo trong hoạt động thương mại bán lẻ.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện phép đo trong hoạt động thương mại bán lẻ có lượng thiếu quá giới hạn cho phép theo quy định. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu phương tiện vi phạm."