Quá trình xử lý tín hiệu, chỉnh sửa âm thanh rất phức tạp và có sự tham gia của rất nhiều thiết bị. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn xác định rõ chức năng của các bộ xử lý tín hiệu trong dàn âm thanh để sử dụng hiệu quả khi cân chỉnh, mang đến chất lượng âm thanh như ý muốn, phục vụ các nhu cầu karaoke gia đình, kinh doanh, phòng thu âm hay tổ chức các buổi trình diễn chuyên nghiệp.

1. Mixer (bộ trộn tín hiệu âm thanh)

Mixer hay gọi nôm na là bàn trộn tín hiệu âm thanh có khả năng kết nối, trộn tất cả các tín hiệu đầu vào và truyền đi cho các thiết bị phát. Các thiết bị đầu vào như: micro, nhạc cụ... có mức độ tín hiệu rất nhỏ. Bởi thế chúng cần phải được khuếch đại lên một điện thế chuẩn để có thể chỉnh sửa lại một cách dễ dàng. Và các mixer sẽ có sẵn chức năng khuếch đại tín hiệu đầu vào. Thông thường trên các mixer thường tích hợp các nút vặn hoặc các cần đẩy để thực hiện các chức năng xử lý tín hiệu âm thanh.

2. Equalizer (bộ lọc tín hiệu âm thanh)

Khác với mixer trộn các tín hiệu đầu vào lại, khuếch đại và gửi chúng đi với mức độ theo ý muốn, equalizer chỉ có chức năng điều chỉnh âm sắc cho dàn âm thanh. Tín hiệu từ mixer truyền đến equalizer và nó cho phép người sử dụng tăng, giảm biên độ của từng tần số cố định, từ 20Hz-20kHz, trong dải tai người có thể nghe được.

Ngoài ra, equalizer còn được dùng để cân chỉnh cho âm sắc của các tín hiệu đầu vào và khả năng của loa sao cho phù hợp với không gian sử dụng, âm thanh ra đẹp, trong, không bị rít, hú.

Mỗi dàn âm thanh thường có từ 1-2 equalizer để chỉnh âm sắc. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu thực tế cần chỉnh âm sắc riêng biệt cho từng thiết bị đầu vào là khác nhau như: micro, nhạc cụ và nhạc nền... Vì thế đối với những dàn âm thanh lớn, nhiều người ưu tiên sử dụng các loại mixer kỹ thuật số (digital). Các loại mixer này tích hợp sẵn nhiều bộ máy equalizer và cho phép tùy chỉnh từng đường tín hiệu đầu vào với 1 máy equalizer riêng biệt để tạo nên hiệu quả âm thanh tốt nhất.


Digital mixer Karaoke GUINNESS DSP-3000 với nhiều cần chỉnh equalizer giúp chỉnh âm sắc riêng cho nhiều thiết bị đầu vào khác nhau

3. Crossover (phân tần số cho loa)

Tín hiệu đầu ra thì chỉ có một nhưng ở trong nhiều trường hợp những dàn âm thanh lại bao gồm nhiều cụm loa, với các chức năng khác nhau: hệ thống loa cho tiếng ca, hệ thống loa sub, hệ thống loa monitor... Những cụm loa này thường có thế mạnh riêng, chuyên cho một dải tần số nhất định để cho chất lượng tốt nhất. Chính vì thế mà cần phải có crossover để phân chia tần số cho từng cụm loa theo khả năng và mục đích sử dụng.

Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn từng bộ phân tần khác nhau. Đối với những dàn máy analog cồng kềnh, phức tạp, bạn phải phân chia thành 3 bộ xử lý riêng biêt. Nhưng công nghệ digital hiện đại giúp bạn có thể tích hợp tất cả các tính năng này chỉ trong một thiết bị.

4. Compressor (bộ nén tiếng)

Compressor được sử dụng với mục đích hạn chế những tín hiệu âm thanh vượt quá mức cho phép, đặc biệt đối với những tiếng bass, treble. Khi một tín hiệu âm thanh hoạt động, được amply khuếch đại để truyền đến loa phát ra thì thường sẽ bị biến dạng trong một khoảng nhất định, gây ra những tiếng rền khó chịu cho tai người nghe. Và compressor cắt những tần số vượt ngưỡng âm thanh mà người dùng cho phép để khắc phục những trường hợp như thế.

Hiện nay các dàn âm thanh trình diễn đa số sử dụng các bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số (còn gọi là DSP) với nhiều kết nối đầu vào - ra đa dạng: 2 in - 4 out, 3 in - 6 out hay 4 in - 8 out để bố trí dàn âm thanh cách hiệu quả nhất. Các thiết bị này thường có sẵn các chức năng: căn chỉnh equalizer, delay, echo... cho các ngõ ra riêng biệt để bạn bố trí dàn âm thanh một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. GUINNESS DSP-3200 là dòng mixer digital được ưa chuộng nhất, cho phép người dùng có thể cân chỉnh âm thanh chuyên sâu và tiện lợi nhất thông qua phần mềm.