Giải hạn chỉ để an tâm?!

Sau nghỉ Tết Nguyên đán, hàng ngàn người lại đổ về các chùa đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn cầu an. Tuy nhiên, mỗi chùa lại có một mức phí giải sao khác nhau. Theo quan niệm, những ai bị sao xấu như La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô chiếu sẽ gặp những điều xui xẻo cả về tiền bạc, sức khỏe… Họ đến chùa cúng sao để giảm nhẹ tai ương và cầu an cho gia đình.

Có mặt tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), chị Ngân (35 tuổi, trú tại Thái Hà) thấy mình bị sao Kế Đô được tô màu xanh khác với sao khác nên chị ghi vội tên tuổi, địa chỉ và nộp 100.000 đồng cho nhà chùa để mong xóa vận hạn trong năm. “Mình biết năm nay bị sao Kế Đô nên sẽ cẩn thận hơn, ai rủ làm ăn mình sẽ từ chối để chờ năm đẹp mới làm ăn. Năm đẹp mình sẽ kiếm tiền nhiều hơn, năm xấu mình giảm bớt đi”, chị Ngân chia sẻ.

Chị Lan (trú tại Hạ Đình, Thanh Xuân) thì cho biết, do gia đình nghỉ Tết về quê dài ngày nên chị lỡ dịp lên chùa xin dâng sao giải hạn vào ngày mùng 8 Âm lịch. Không yên tâm, chị phải tranh thủ giờ làm để lên chùa đăng ký xin dâng sao giải hạn kẻo có chuyện thì “hối không kịp”. Theo lời người phụ nữ 39 tuổi này, mức phí dâng sao giải hạn cho cả gia đình (4 người) cũng không hề nhỏ, năm nào cũng mất tới tiền triệu. Tuy vậy, chị cho rằng, mức này vẫn chưa thấm vào đâu so với việc mời thầy về nhà, có thể lên tới chục triệu đồng. “Dù tốn kém chút mình vẫn phải cúng dâng sao giải hạn cho an tâm”, chị Lan bày tỏ.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại những chùa lớn khác ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, các chùa tại quận Hai Bà Trưng… ngày nào có hàng trăm người dân đến đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn. Tại đây, các ni, sư, phật tử cũng tất bật soạn đồ lễ, các bàn đăng ký luôn chật kín người ngồi ghi ghi, chép chép. Khảo sát tại ngôi chùa ngoại thành là chùa Linh Tiên (Hoài Đức, Hà Nội) cho thấy, năm nay có tới gần 1.000 hộ dân đăng ký dâng sớ cầu sao giải hạn với giá từ 200 nghìn - 800 nghìn đồng/hộ tùy theo gia đình có ít hay nhiều sao. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhiều phật tử, sau tháng Giêng nhiều ngôi chùa vẫn tiếp tục nhận đăng ký dâng sao giải hạn.

Khác với những người làm lễ tại chùa, anh Phan Văn Thiên (trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) lại quyết định làm lễ dâng sao giải hạn tại gia. Anh Thiên cho biết, khi xem sao được thầy phán là gia đình năm nay sẽ gặp hạn. Tuy vậy vẫn có cách để giải hạn cho cả gia đình. Thầy cũng “khuyên” anh Thiên , nếu gia đình muốn bình an phải dâng sao cẩn thận, không làm qua loa, đại khái.

Cũng theo anh Thiên, phí mời thầy làm lễ tại gia đình anh là 1,2 triệu (chưa kể đến tiền sắm sửa đồ lễ theo hướng dẫn của thầy). Ngoài ra, “tiền xăng xe” cho thầy là tùy tâm. Thầy còn phán nhà anh Thiên phải đập cửa bên này, chuyển cổng bên kia, chuyển hướng ban thờ thì mới có “lộc”. Lời phán gây sốc nhất khiến anh méo mặt là gia đình sẽ gặp họa nếu không sinh thêm đứa con nữa trong khi con trai anh mới được 4 tháng tuổi.

Dâng sao giải hạn chỉ là một sự an ủi

Liên quan đến vấn đề này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội chia sẻ: Tục dâng sao giải hạn nằm trong nghi lễ của Đạo Giáo, xuất xứ từ Trung Quốc. Nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hán, Thổ Tú, Thủy Diệu, La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch.

Người ta tin mỗi một năm, một tuổi nó ứng vào mỗi người nam hoặc người nữ. Và người ta cũng cầu mong các vì sao là sao tốt. Cùng một tuổi, cùng một năm, đàn ông và đàn bà lại có sao chiếu mệnh khác nhau. Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu, năm nào người nào bị sao xấu chiếu mệnh sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn.


Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Thế nhưng, giữa tín ngưỡng dân gian và nghi lễ của Phật giáo thì đều gặp nhau ở một điểm là cầu mong cho con người được an lành, không gặp phải những điều xấu trong cuộc sống. Cho nên, nhiều chùa từ lâu rồi cũng có làm nhưng tùy từng chùa thực hiện với các nghi thức khác nhau. Cũng có chùa, đền, phủ... cúng theo tín ngưỡng cổ truyền là dâng sao, cũng có những chùa chỉ tụng kinh lễ Phật. Cũng theo vị Hòa thượng này, có không ít trường hợp đi cúng lễ mà vẫn gặp tai họa. “Gặp họa hay phúc đều là do bản thân con người. Nếu con người không cẩn thận thì rất dễ gặp họa như mất của, tai nạn…”.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM thì cho rằng khi con người tin rằng trên đời có sao tốt, xấu, ngày đẹp, ngày xấu... sẽ đánh mất niềm tin vào luật nhân quả. Việc cúng sao giải hạn là một quan niệm sai lầm. Việc tin có sao xấu, tốt, ngày giờ đẹp, xấu đồng nghĩa với mọi người tự “cấy” nỗi sợ hãi vào bản thân. Từ đó, họ phải cúng bái mới được bình an. Họ đang bỏ tiền ra mua sự trấn an tâm lý cho bản thân.

“Cúng sao giải hạn của một bộ phận người dân hiện nay giống như vung tiền mua sự an ủi ảo. Tôi cho rằng đến một thời điểm nào đó cũng cần có một công văn giống như việc đề nghị không đốt vàng mã trong chùa của Giáo hội Phật giáo vừa đề xuất”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ (Hà Nội) cho rằng sao xấu, sao tốt từ tâm con người mà ra. Nếu làm việc xấu thì có mang lễ lạt đi giải cũng không được. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm. Mỗi con người trồng cây quả ngọt thì mình sẽ được hưởng quả ngọt. Trồng cây quả chua tất nhiên phải hưởng quả chua. Tương tự, mình làm việc tốt chắc chắn sẽ hưởng phúc, còn làm việc xấu sẽ chuốc tai họa. Không có sao và cũng không thể giải được sao

theo : http://suativisamsungtaihanoi.net/tin-tuc-ve-ti-vi.html